Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Nhìn lại trò chơi dòng tiền 2012-2016. Tiền chạy đi đâu?

Tiền trong một nền kinh tế(Quan sát dưới góc độ khép kín) không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi.
Lượng tiền hao hụt ở một nhóm chủ thể (Có thể là NĐT) sẽ được chuyển đến cho một nhóm chủ thể mới trong nền kinh tế đó, trước khi vượt ra khỏi biên giới, nếu là nền kinh tế mở cửa. Vậy trong một thị trường mà chủ thể là các nhà đầu tư(NĐT) trên thị trường đó, lượng tiền mất đi(Của các NĐT thua lỗ) sẽ đi về đâu? Và lượng mất đi đó sau khi tìm được chủ mới sẽ được chuyển tiếp sang thị trường nào?
Dòng tiền đó chảy theo các hướng nào và đâu là đích đến? Bài viết không khẳng định được do góc nhìn của mỗi cá nhân là khác nhau, nhưng mổ xẻ dưới góc độ vĩ mô đến chi tiết dưới tác động của các công cụ chính sách để mỗi người sẽ có một nhận định linh hoạt cho riêng mình, nhằm nhìn thị trường tài chính ở góc độ cao hơn và toàn diện hơn. Từ đó nhìn nhận, đối chiếu lại được với quá trình đầu tư của cá nhân hay tổ chức mình, để có thể đưa ra được chiến lược cụ thể và hợp lý hơn trong môi trường đầu tư đã định. Và quan trong hơn hết là chiến lược đó phải phù hợp với bối cảnh và "thế" hiện tại của nền kinh tế.

Điểm lại vắn tắt các công cụ vĩ mô, của chu kỳ từ 2012 đến nay:

1. Sự ra đời của công ty quản lý tài sản VAMC trực thuộc Chính Phủ:
+) Quyết định thành lập ngày 27/06/2013 bởi Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước.
+) Các hoạt động chính
a. Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
b. Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm.
c....Và các hoạt động khác liên quan đến tài sản tài chính, nợ.
2. Ngày 20 tháng 11 năm 2014:
Ra đời thông tư Số: 36/2014/TT-NHNN
3. Ngày 27 tháng 5 năm 2016:
Ra đời thông tư 36 sửa đổi: thành Số 06/2016/TT-NHNN

- Định nghĩa, giải thích:
Nợ xấu: Là hàm ý chỉ các khoản nợ của các danh nghiệp chủ yếu là lĩnh vực Bất Động Sản(BĐS) nợ các tổ chức tín dụng bao gồm các Ngân hàng thương mại trong nước, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài ( Sau đây xin gọi tắt về một mối là Ngân Hàng Thương Mại - NHTM cho gọn)
Nợ để làm gì? Doanh nghiệp BĐS vay NHTM để xây dự án BĐS đa phần là dự án nhà ở để bán cho toàn dân có nhu cầu.
Tại sao doanh nghiệp BĐS nợ không trả được cho NHTM? Vì nhu cầu mua và sức mua(tiền) của người dân không đủ lớn để mua hết số lượng nhà mà doanh nghiệp BĐS sản xuất ra.
Kết quả là Doanh Nghiệp bất động sản không bán được hết hàng(BĐS), hoặc đang xây dở dự án nhưng không huy động được đủ tiền để xây tiếp. Một khi không bán được hết hàng như kỳ vọng, thì đương nhiên không thu được lợi nhuận kỳ vọng, và do đó không quay lại trả được cho các NHTM.


Vòng tuần hoàn
Công ty VAMC của nhà nước ra đời để làm gì?
Đầu tiên là để mua lại nợ của các Doanh Nghiệp BĐS nợ NHTM. Có nghĩa là thay vì NHTM là chủ nợ thì vị trí chủ nợ được chuyển sang cho VAMC. Thay vào đó VAMC sẽ trả cho các NHTM một khoản bằng trái phiếu hoặc quy ra thành tiền, nếu quy ra thành tiền thì sẽ loanh quanh 30% so với giá trị của món nợ. Tức là nếu NHTM cho DN BĐS vay 100 triệu đồng(nợ xấu) thì VAMC sẽ trả cho NHTM một khoản khoảng từ 30 triệu (tùy theo tính chất món nợ), và VAMC trở thành chủ nợ mới đối với món nợ 100 triệu mà Doanh Nghiệp BĐS đang là đối tượng nợ.
Việc NHTM bán nợ cho VAMC là tự nguyện hay bắt buộc?
- Trích báo An Ninh Tiền Tệ: "Mỗi NHTM sẽ phải bán lại cho VAMC số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN và đến mốc hẹn 30/9/2015 phải bán hết 100% số lượng “chỉ tiêu được giao” nói trên."
Tức là việc bán nợ đã được ấn định trước đó từ lâu, đã bán dần từ trước đó và mốc hẹn cuối cùng năm 2015 phải bán hết.
Thông tư Số: 36/2014/TT-NHNN (Ngày 20 tháng 11 năm 2014) có liên quan gì?
Thông tư này có một điểm, đó là hạ hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay Bất Động Sản từ 250% xuống 150% (Là mức thấp nhất theo thông lệ). Nghĩa là các NHTM (Sau khi đã ấn định bán nợ cho VAMC) kể từ ngày 20/11/2014 trở đi sẽ lại tiếp tục được phép cho vay một cách dễ dàng hơn đối với lĩnh vực BĐS, tức là có động lực lớn cho vay tiếp. Bởi Ngân Hàng Nhà Nước truyền thông điệp: Lĩnh vực BĐS đang có rủi ro cao từ mức 250% điều chỉnh về 150%( Thấp nhất theo thông lệ). Nhưng nếu phân tích sẽ thấy chính sách này nhắm tới đối tượng người dân mua nhà. Nghĩa là tăng động lực để người dân đi vay vốn Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) dễ dàng hơn, vay nhiều hơn để mua nhà mà các Doanh Nghiệp BĐS đã sản xuất ra.
Kèm theo đó có một điểm cực kỳ quan trọng, là quy định các tổ chức tín dụng, NHTM khi cho vay kinh doanh lĩnh vực Chứng Khoán(Trừ trái phiếu), thì số dư cho vay đối với lĩnh vực này không được vượt quá 5% vốn điều lệ, mà trước đó đa số đang cho vay vượt mức này. Buộc các NHTM phải rút vốn cho vay từ các công ty môi giới Chứng Khoán về. Và con đường sẽ là rút tiền cho vay từ lĩnh vực Chứng Khoán để quay lại đổ về cho vay lĩnh vực BĐS, chủ yếu là khuyến khích toàn dân mua nhà.
Kết quả là các NHTM ồ ạt cho vay, ồ ạt khuyến mãi đối với người dân trong 1-2 năm vừa rồi, đến tận nhà, phát từng tờ rơi để người dân mạnh dạn vay tiền mua nhà. Và như vậy DN BĐS tự nhiên tiêu thụ được lượng hàng tồn kho(Nhà ở xây lên không bán được) thu được tiền về. Tiền đó chảy về đâu? Để trả cho chủ nợ mới là VAMC.
Một khoản 100 triệu là phải trả 100 triệu( Mặc dù VAMC khi mua lại nợ từ các NHTM là thấp hơn nhiều so với giá đấy, cứ lấy ví dụ 100 - 30 = ?...).
Và kết quả sau cả vòng tuần hoàn tiền tệ đó là gì? Thị trường chứng khoán sập đổ do tiền bị rút ra rất lớn bởi các NHTM, bởi các nhà đầu tư cắt lỗ. Đối tượng không bị lỗ (Có lãi) trên thị trường là những đối tượng đã chuẩn bị được từ trước cho sự kiện này. Một phần lớn tiền được chuyển về sân NHTM để đổ sang cho vay lĩnh vực "Tiêu Dùng Bất Động Sản". Người tiêu dùng ký vay những món nợ trả góp này để tiêu thụ hàng cho Doanh Nghiệp BĐS -> Doanh Nghiệp BĐS thu tiền bán hàng về trả cho VAMC (Món nợ mà trước đó VAMC đã mua lại giá thỏa thuận từ các NHTM).
Xong một vòng như vậy, người dân mua nhà hiện nay đang thực hiện trả góp dần cho món hàng mà họ mua. Doanh nghiệp BĐS đã trả nợ xấu được cho VAMC. Ngân Hàng Thương Mại đã không còn là chủ nợ của DN BĐS mà trở thành là chủ nợ của người mua nhà trả góp. Như vậy món nợ từ DN BĐS đã được chuyển sang cho người dân.
Việc đã xong.
- Vậy, sau vòng luân chuyển này, ai là người đi vay cuối cùng?
- Tiền chạy đi đâu?
Câu hỏi đang gần đến hồi đáp thì ngay lập tức Ngân Hàng Nhà Nước tiếp tục tung cú chốt thông tư 36 sửa đổi Ngày 27 tháng 5 năm 2016:
Thành Số 06/2016/TT-NHNN rúng động thị trường Bất Động Sản, lập tức siết lại cho vay bất động sản. Dự thảo nâng mức hệ số rủi ro 150% quay ngược lên mức 250%(Để chốt khóa việc cho vay có chủ đích năm vừa rồi). Nhưng vì áp lực từ xã hội và các hiệp hội kinh doanh BĐS quá lớn bởi họ trở tay không kịp. Nên đã chốt tăng lên mức 200%.

Xong!

Tiền của nền kinh tế, của xã hội, của nhà đầu tư chạy đi đâu trong những năm qua? Ai lỗ, ai lãi? Ai mang nợ, và nợ trả cho ai? Cuối cùng là về đâu?...
Sắp tới sẽ đi đâu? Với những diễn biến hiện nay, xác suất bao nhiêu % sẽ chảy vào chứng khoán? Dưới một hình thái hoàn toàn mới, ...và chảy một lượng như thế nào đang ngày càng rõ ràng dần.
Quan trọng nữa, bao giờ thì xong? Cũng đang càng lúc càng được nhìn một cách sát sườn và rõ ràng hơn bao giờ hết.

- Tiền chạy đi đâu?
Chúc cho tất cả, mỗi người, đều có thể thu được một phần đáng kể trong dòng chảy lớn lao đó!

Bài viết nêu vấn đề. Cố gắng không lạm dụng những thuật ngữ kỹ thuật gây phức tạp và khó hiểu, mà sử dụng tối đa từ ngữ thông dụng nhất, cố gắng viết và chú thích chi tiết nhất để đúng nghĩa là một bài chia sẻ!




Cám ơn bác!
Xin cùng thảo luận với bác như sau:
Hai nguồn mà bác nói là có trên thực tế. Nguồn NĐT tự đi vay ngân hàng để đầu tư cổ phiếu trên thực tế là có, tuy nhiên rất ít trường hợp kê khai mục đích vay là để đầu tư chứng khoán mà được duyệt món cho vay(Nếu kê khai mục đích khác nhưng dùng tiền vay để đầu tư chứng khoán thì được, do NHTM có thể giám sát không chặt quá trình sử dụng vốn vay của người vay). Nhất là tài sản đảm bảo bằng chứng khoán(Cổ Phiếu) thì càng không có. Đa số chỉ công ty môi giới(Công ty Chứng Khoán) được thực hiện nghiệp vụ này, chính là nghiệp vụ ký quỹ(Margin). Tùy theo mỗi giai đoạn. Nhưng riêng giai đoạn hiện nay dưới sự giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước, NHTM cho vay đầu tư cổ phiếu, tài sản đảm bảo bằng chính lượng Chứng Khoán đó là hoàn toàn không có trên thực tế.

Thứ 2, CTCK cho vay bằng vốn tự có: Điều này đang luôn luôn diễn ra, và là nguồn vốn đầu tiên mà các CTCK sử dụng để duy trì hoạt động, tự doanh hoặc cho khách hàng vay.
Nhưng bên cạnh đó lượng tiền mà các NHTM rút ra ở các CTCK dĩ nhiên không phải là tất cả vốn mà CTCK có, nhưng là một lượng tương đối đáng kể. Lượng này rút ra thì ảnh hưởng vô cùng lớn đối với TTCK (Sự thoái trào của TTCK năm 2015 nhất là nửa đầu năm, ngoại trừ dòng cổ phiếu Ngân Hàng bán quốc doanh). Bởi nó là tiền mà các CTCK đang sử dụng để cho các khách hàng (NĐT) vay. Sau khi NHTM rút vốn, Các CTCK phải tìm mọi cách tìm lượng vốn mới bù đắp cho lượng bị thiếu hụt, và buộc phải thắt chặt cơ chế cho vay đối với khách hàng của họ để lấy tiền quay lại trả cho các NHTM chủ nợ. Cung cổ phiếu trên thị trường tăng cao( Áp lực bán cổ phiếu) để chuyển thành tiền mặt trả về cho CTCK -> CTCK trả NHTM. Nó không phải là tất cả, nhưng phần ảnh hưởng rất lớn đi theo chu trình đó.



Với "Thế" hiện tại thì không còn con đường nào khác Bác ạ, dù muốn dù không thì tiền cũng không còn nơi nào khác để đi về nữa nếu không muốn mãi mãi mắc kẹt lại ở những nơi đó.
Hiện tại xét trên quy mô tổng thể nền kinh tế, mà đại diện là các doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết). Bình quân cơ cấu vốn trong toàn hệ thống nếu tính trên tỷ lệ đang ở mức 34% - 76%. Trong đó 34% là tỷ lệ vốn từ thị trường chứng khoán(vốn phát hành cổ phiếu và vốn vay bằng trái phiếu) trên tổng vốn, và 76% là vốn tín dụng (vốn từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng). Từ 2016 trở đi đến 2020 có thể coi là nửa sau của giai đoạn tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó có nội dung tái cấu trúc thị trường tài chính. Bắt buộc phải hoàn thành việc đảo tỷ lệ cơ cấu vốn nói trên. Tức là vốn vay từ hệ thống NH và các TCTD phải giảm xuống độ mức 30% và vốn từ TTCK phải tăng lên mức 70% trên tổng vốn(tính bình quân vốn của hệ thống doanh nghiệp). Tuy chỉ phản ánh về mặt quy mô, nhưng trên thực tế cơ cấu vốn này rất rất khó mà thực hiện được nếu không có dòng tiền mồi lửa đủ lớn và một games được chuẩn bị chỉn chu và chi tiết từ A - Z.
Xin được chia sẻ chung chung với Bác vậy để phục vụ mặt chiến lược đầu tư, tuy nhiên quan điểm bản thân tôi nghĩ mỗi người cần có một chiến thuật riêng trong chiến lược đó. Bởi tiền vào chứng khoán, nhưng vào những địa chỉ nào, theo thứ tự nào, vào những nơi đó thì tạo hiệu ứng đi kèm của những dòng tiền khác như thế nào thì còn cần phải nói chuyện nhiều. Cám ơn bác!

(st )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét