Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Nếu Mình Là Nó

Dear các Bác.
Quả thực khó khăn khi nói ra những điều mà chưa mấy ai muốn nói, và chưa mấy ai muốn san sẻ. Nếu họ thực sự là người trong cuộc.
Sẽ thành cái gì nếu như ai cũng hiểu rõ tường tận về cuộc chơi và bản chất thực sự của nó?
Sau 2 bài viết của mình trên diễn đàn. Mình đã định dừng nói về khía cạnh này, để nếu có cơ hội về thời gian thêm nữa, sẽ chỉ chia sẻ và trao đổi với cộng đồng NĐT về những chủ đề mang tính cục bộ hơn, cụ thể hơn. Để không làm xáo trộn tất cả những gì đã thuộc về khuôn khổ của trò chơi dòng tiền cũng như luật lệ của nó.
Nhưng không một sự lựa chọn nào trở thành hợp lý nếu như không có một nền tảng tư duy vững vàng để làm tiền đề cho lựa chọn đó.
Như bốc thuốc vậy: Nguyên nhân - Triệu chứng.
Sau bài viết này, nếu điều kiện còn cho phép, tôi xin trao đổi với tất cả mọi người về những vẫn đề hẹp hơn, rõ ràng hơn. Hay về những gì người ta vẽ lên để rồi chúng đã trở thành nguyên tắc.

Nếu Mình là Nó.
Ngoài mình và những người không phải là Nó ra, thì tất cả đều là Nó...
- Nó ở đây tôi xin nói về tầm Doanh nghiệp. Cụ thể là Doanh Nghiệp niêm yết trên sàn Chứng Khoán. Tầm trên Doanh Nghiệp tôi sẽ không nói nữa. Tầm thành phần của doanh nghiệp(Cổ đông, tổ chức môi giới, đội bay liên kết...) Nếu có điều kiện tôi xin nói sau.
Cặp từ Đầu Tư - Đầu Cơ thỉnh thoảng vẫn có nhiều người mang ra so sánh và biện luận. Nhưng rồi rất nhiều trong số họ vẫn thường thú nhận rằng, đầu tư hay đầu cơ họ đều đã từng thử hết nhưng cuối cùng tổng tiền rút về chưa bao giờ bằng tổng tiền ra đi. Họ cho rằng phương pháp của mình chưa đúng, mình không đủ kỷ luật. Hoặc cho rằng con đường đầu tư mà mình đã chọn là sai lầm? Nhưng ít ai nhìn nhận rõ ràng sự tồn tại, xuất hiện và vai trò của "Nó".

Nếu Mình là Nó, sau khi huy động một lượng tiền của người thân, bạn hữu, đối tác... để đứng ra thành lập và sở hữu tư cách pháp nhân với vốn điều lệ là tổng lượng tiền huy động thủ công ban đầu, để thực hiện một dự án mà mình đánh giá là triển vọng(Tùy theo cơ hội sẵn có và trí tưởng tượng của mỗi người). Mình sẽ bắt tay lên trán lục lại những mối quan hệ tự cổ chí kim tìm đầu mối, để tiếp theo sẽ tiếp cận vốn ngân hàng dựa trên số vốn thủ công đó và triển vọng dự án mà mình đã đặt cược.
Thế rồi dự án non trẻ cơ bản cũng đã đi đúng tiến độ, hoàn thành và đã tạo ra được doanh thu ban đầu. Mình sẽ cân đối tình hình để phân phối lợi nhuận cho cổ đông và để giữ lại tái đầu tư, nhân rộng quy mô vì mình tin rằng thành công rồi sẽ nối tiếp thành công, chỉ cần có cơ hội và một cái đầu tính toán tỷ mỉ, cẩn thận cho từng bước đi thì chắc chắn sẽ dành được những thắng lợi mới.

Nếu Mình là Nó, mình sẽ gặp những vấn đề mới phải đối diện của một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Doanh Nghiệp mà mình đã vừa một tay gây dựng:

- Quy mô mới đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận mới.
- Thanh thế mới đồng nghĩa với sự kết nối mới, mối quan hệ mới.
- Giai đoạn mới đồng nghĩa với động lực mới, môi trường mới, thời thế mới.
- Vị trí mới đồng nghĩa với việc phải sinh ra được dự án triển vọng mới.
- Trải nghiệm mới, con người mới sẽ sinh ra những cách giải bài toán mới.
...

Nếu Mình là Nó, để giải bài toán nước đi lên của Doanh Nghiệp, sau khi tính toán thật cẩn thận theo nhiều góc độ khác nhau về tất cả các vấn đề chung, cũng như các vấn đề hẹp hơn như chí phí sử dụng vốn(Chi phí phải mất để được sử dụng các nguồn vốn). Cân đo đong đếm, mình quyết định sẽ đưa nó lên sàn. Vì đã đến lúc cần phải sử dụng đến nguồn vốn đại chúng, không thể huy động thủ công mãi trên những mối quan hệ và sự kết nối sẵn có được, bởi như thế vô tình sẽ tạo nên một giới hạn cho sự phát triển về quy mô vốn cho doanh nghiệp. Tất nhiên rồi, bởi khi vốn chủ sở hữu còn yếu thì sẽ không đủ size để có thể mở lời và tiếp nhận thêm vốn từ ngân hàng, nếu có ý định.
Sau khi tốn khá nhiều tiền vào công tác vận động, cuối cùng cũng đã đưa được Doanh Nghiệp lên sàn. Nhưng một cổ phiếu mới toanh không có tên tuổi, không có ấn tượng trong trí nhớ của giới đầu tư lướt sóng, ngày đầu lên sàn gần như thanh khoản bằng 0, chẳng thấy ai để ý. Bạn bè và đối tác, những người trước đây góp vốn cùng mình lúc mới thành lập doanh nghiệp, lượng vốn đó giờ đây đã được chứng nhận bằng cổ phiếu niêm yết rồi, giờ đây thấy lên sàn cứ chực chờ kê lệnh bán. Nên như đã xác định, giờ đây lại phát sinh một vấn đề mới: Huy động tiền trên sàn như thế nào?
Bản chất: Tiền trên sàn chỉ được huy động thực sự vào doanh nghiệp để xếp vào hạng mục Vốn Chủ Sở Hữu khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu và được NĐT đăng ký mua bằng hình thức khớp lệnh.
Còn lượng vốn cổ phần sẵn có ban đầu khi được đưa lên niêm yết không làm tăng quy mô của VCSH, kể cả khi nó được khớp lệnh mua bán qua lại thì đó cũng chỉ là hình thức thay đổi chủ sở hữu, hoàn toàn không làm tăng vốn cho Doanh Nghiệp.

Hiệp 1:
- Nếu mình là Nó, mình sẽ phải làm sao gây được chú ý cho cổ phiếu của mình để nhà đầu tư (Chủ yếu là lướt sóng) trên thị trường có động lực mua vào. Muốn vậy Cổ phiếu phải có thanh khoản nhất định(Tùy sức quay của mình) và nhất là giá phải tăng để gây được chú ý.
Nhìn lại, để tăng thanh khoản trong khi những người hiện tại đang nắm giữ đa số là những người mà mình đã huy động vốn lúc ban đầu mới thành lập Doanh Nghiệp, như đã nói ở trên, thì chỉ có cách duy nhất là những người này và cả mình phải tìm cách tự mua bán cho nhau. Nhưng yêu cầu cao nhất là mua bán để tăng thanh khoản và đồng thời giá khớp cũng phải tăng theo.
Nếu Các Bác là Nó! Các Bác tất nhiên sẽ phải tự nghĩ ra cách để thực hiện (Tăng thanh khoản như thế nào? Đưa tiền cho ai? Đưa ra những tin tức gì?).

Nếu Mình là Nó, bằng sự kiên trì và học hỏi nhanh nhẹn, mình đã gây được chú ý đối với nhà đầu tư trên sàn để họ có hứng thú và lướt sóng cổ phiếu của mình. Cùng với đó, những nhà đầu tư dài hạn cũng đã đánh giá khá tốt về tiềm năng của Doanh Nghiệp mình, đúng như ý mình muốn.
Để thực hiện mục tiêu tăng vốn, nhân lúc Thiên thời, Địa Lợi, Nhân hòa... Mình cho tổ chức họp Cổ Đông bất thường công bố chốt ngày phát hành thêm Cổ Phiếu tăng vốn (Tất nhiên kèm theo các thông tin về ngày đăng ký cuối cùng, ngày giao dịch không hưởng quyền... đúng như luật lệ).

Có thể phân loại NĐT trên thị trường thành 3 nhóm chính.
- Nhóm thứ nhất: "Lăn chốt"(Mua Cổ Phiếu và bán ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền)
- Nhóm thứ 2: Cố tình mua cổ phiếu và nắm giữ qua ngày giao dịch không hưởng quyền để rồi sau đó nộp thêm tiền mặt vào và thực hiện mua cổ phiếu phát hành thêm (Đây là nhóm đối tượng chính mà mình hướng đến)
- Nhóm thứ 3: Mua cổ phiếu và do hời hợt nên quên mất mình đã lỡ nắm giữ qua ngày giao dịch không hưởng quyền, ngày đăng ký cuối cùng. Khiến họ bất đắc dĩ, hoặc là không thực hiện "quyền" nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm ngay sau đó, hoặc dù lỡ đăng ký nhưng sau khi suy nghĩ, họ vẫn nộp tiền mua do đánh giá triển vọng về giá hoặc vì một kỳ vọng nhất thời khác liên quan đến Cổ Phiếu của Mình.

Ngày NĐT nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm là ngày mà Mình đã thở phào để có thể nói với chính bản thân mình và với cổ đông gốc(bè bạn) rằng: "Chúng ta đã chính thức chiến thắng! Hiệp 1 trên Sàn).

Nếu mình là nó!... Nếu chúng ta là nó!
Hiệp 2:

Với một hệ thống cài đặt trong con người chúng ta từ lúc sinh ra, luôn có chứa Tham Vọng. Rất khó để chúng ta chịu dừng lại và ngủ vùi trên chiến thắng cỏn con ban đầu đó. Phát hành thêm thành công đồng nghĩa với việc cổ phiếu bị pha loãng, lượng cổ phần sở hữu của mỗi cổ đông ban đầu chúng ta giảm đi. Quy mô vốn tăng thêm đã được chia đều cho đại chúng. Liệu "con quỷ" trong con người của chúng ta chấp nhận ư?
Quy mô vốn đã lớn rồi, nhưng tỷ lệ sở hữu của mình giảm đi trong quy mô đó, thì giờ phải tìm cách mua lại tỷ lệ sở hữu càng rẻ càng tốt, tất nhiên rồi. Bằng cách mua rẻ cổ phiếu, nhưng bằng cách nào?
Đè giá, tin "xấu", vẽ biểu đồ phân tích kỹ thuật theo mẫu hình Vai - Đầu - Vai.... Liên kết, nhờ vả các Công ty CK thân quen cắt Margin đối với mã CP của mình để tăng Cung và thắt lại lực Cầu từ thị trường... đủ sự lựa chọn.
Các kệnh truyền thông thì vô cùng nhiều: Diễn đàn, Room chat online... có đầy đủ phương tiện để lựa chọn nhằm bình luận CP theo chiều hướng tốt hay xấu theo mục đích của mình.
Sau khi cố tình để giá cổ phiếu rơi sâu, bước tiếp theo tất nhiên mình sẽ mua lại.
Nếu mình là nó, mình sẽ lập tức tính chuyện đánh lên cổ phiếu bằng chính ê kip sẵn có của mình nếu có đủ tiềm lực hoặc tìm sự trợ giúp bên ngoài. Để rồi sau khi đẩy giá cổ phiếu lên cao. Phối hợp với CTCK mở Margin lên mức tối đa, mình sẽ lại được bán đắt(Phân phối) cho những NĐT lướt sóng hoặc các trường phái khác trên thị trường, bởi họ vẫn nhận định rằng cổ phiếu của mình sẽ còn lên nữa...
Rồi cứ thế, cứ thế...

Con đường của mình là như vậy, những ngã rẽ khác, cơ hội khác, và cạm bẫy khác vẫn đang chờ đợi. Nhưng với sự đoàn kết của ê kip, của anh em bè bạn, và trên hết là sự tin tưởng vào chính bản thân, mình tin tưởng rằng sẽ lèo lái được con thuyền Doanh Nghiệp đi lên từng ngày. Và tất nhiên sẽ phải làm thế nào đó để có lợi nhất cho bản thân, vì suy cho cùng thì con thuyền Cuộc Đời còn lớn hơn con thuyền Doanh Nghiệp rất nhiều.
Và tất nhiên sẽ nói với cả Ekip rằng hãy yên tâm! Bởi vì mình sẽ không bao giờ chỉ đạo đánh lên Cổ Phiếu khi mà có rất nhiều NĐT ngoài kia đang nắm giữ.
Bởi vì làm như vậy là tự sát, nếu đổ tiền túi của mình vào đẩy giá cổ phiếu lên cao thì ngay lập tức những NĐT ở ngoài kia sẽ bán giá cao vào lệnh của mình. Như vậy tiền của mình sẽ chạy vào túi của NĐT trên thị trường. Trong khi mình là Doanh Nghiệp, họ là NĐT thì rõ ràng theo lệ, mình phải lấy tiền của họ. Nên hãy yên tâm rằng chỉ khi NĐT đại chúng đã thực sự chán nản Cổ Phiếu của mình, họ không còn nắm giữ nữa(Họ chủ động bán ra hoặc bị Call Margin, người thu gom lại giá thấp sẽ là ekip của mình) thì lúc đó, sẽ tính đến chuyện thực hiện games tiếp theo.
Nếu mình là Nó! Mình xin phép dừng ở đây!


Chúc toàn thể luôn gặt hái được thắng lợi!
Bài viết giả định Mình là Nó để dễ làm rõ ý nghĩa và biện chứng cho điều mà tôi đang muốn diễn giải. Để chúng ta cùng thêm vào một nhân tố mới làm đa dạng thêm dữ liệu phân tích: Đó là tư duy, vai trò và động lực của "Nó". Hy vọng cùng đóng góp thêm cho NĐT những thông tin đa chiều, chia sẻ chân thực nhất, nhằm góp phần làm rõ thêm về hình hài và gốc rễ của sân chơi mà toàn thể chúng ta đang là thành phần trong đó: Sân Chơi Đầu Tư.

Chân thành! Kính chúc!



vmh

Cổ phiếu tốt - xấu? Kinh tế tốt - xấu?

Bài viết tản mạn và trao đổi dưới góc nhìn khác về một khái niệm tưởng như đã rõ ràng nhưng theo đánh giá chủ quan của mình, thực tế khái niệm này đang được định vị khá máy móc và có phần mơ hồ dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư(NĐT) trên Thị Trường Chứng Khoán, hoặc có thể nói rộng ra là trên mọi thị trường.
Thực tế, một phần lớn NĐT đang bị vướng vào những mâu thuẫn tâm lý của khái niệm Tốt - Xấu khi nói về kỳ vọng Cổ Phiếu, hoặc nói về kỳ vọng thị trường. Điều này dẫn đến sự chệch hướng trong tư duy, phân tích khi ra những quyết định đầu tư nhất định, trong những giai đoạn nhất định. Và đương nhiên dẫn đến hiệu quả đầu tư hoàn toàn không đi đúng theo kỳ vọng.
- Xin được trích dẫn vắn tắt định nghĩa và hệ quả của một phạm trù trong triết học duy vật biện chứng:
Về phạm trù Các Cặp Đối Lập: (Hiểu nôm na nó là cặp trạng từ đối lập nhau về bản chất). Ví dụ: Đúng - Sai ; Có lý - Vô Lý ; Trước - Sau ; Tốt - Xấu ; ..........
Triết học duy vật biện chứng đã chứng minh rằng các cặp này luôn tồn tại song song theo thời gian. Sau những khoảng thời gian nhất định nào đó, đến một thời điểm nào đó mỗi cặp này sẽ ngẫu nhiên "tự chuyển hóa lẫn nhau ". Nghĩa là: Đúng thành Sai, Tốt thành Xấu....
Công cụ để tự chuyển hóa của nó chính là khái niệm "Phủ định của Phủ định" mà ai học qua môn triết học rồi thì chắc chắn vẫn còn nhớ. Dụng ý của khái niệm "Phủ định của Phủ định" nghĩa là thế này( Mình xin phép nhắc lại để cho một số người chưa để ý lắm sẽ nắm được nội dung chính một cách nhanh nhất).
- Ví dụ: Năm học lớp 5 bạn A nghĩ rằng học tiếp lên cấp 2 sẽ chẳng để làm gì cả, thấy không muốn đi học lắm. Nhưng khi trưởng thành hơn một chút, A thấy hồi học lớp 5 mình nghĩ thế là không đúng, bởi vì phải học 12 năm như thế thì mới có thể thi vào Đại Học.
Đến năm vào đại học A nghĩ phải học thật giỏi thì mới có cái Bằng tốt để ra trường đi xin việc, để có mức lương tốt hàng tháng là sẽ bảo đảm được cho cuộc sống cá nhân mình và gia đình.
Nhưng rồi khi ra trường và xin được việc rồi A lại thấy đi làm công - hưởng lương không phải là con đường bảo đảm cho cuộc sống như mình kỳ vọng. Sau đó A quyết định phải có con đường riêng của mình. A tìm đến Chứng Khoán. Quyết tâm tìm những con đường, phương pháp đầu tư khác nhau, A liên tục "phủ định" cái cũ để có những tư duy mới hơn, chiến lược mới hơn.... Cứ thế quá trình "phủ định của phủ định" ngẫu nhiên diễn ra.
Quá trình "phủ định của phủ định" trong tư duy là quá trình tiến hóa về nhận thức. Là lúc mỗi cá nhân nhìn lại quá trình cũ và tự nhận ra rằng: "Ồ!... Ngày xưa mình nghĩ về vấn đề đó sai, bây giờ nghĩ về vấn đề này đúng mới thực sự đúng" ...rồi cứ thế, cứ thế tương lai lại phủ định tiếp điều mà hiện tại mình đang khẳng định. Tiếp tục và không bao giờ dừng lại.
Bản thân con người ta tiến bộ lên từng nấc, tiến hóa về nhận thức, và phát triển dần lên theo thời gian. Quá trình phủ định của phủ định nghĩa là như vậy! Phủ định của phủ định hoàn toàn không có ý nghĩa là Khẳng định như vẫn thường nói đùa và dần dần khiến nhiều người hiểu sai.
- Cùng nhớ lại một giai đoạn về thẩm mỹ cho đỡ nhàm chán câu chuyện nhé?
Xa xưa có tục nhuộm răng đen, phải là nhuộm răng đen thì mới là phụ nữ truyền thống và biết làm đẹp đúng nghĩa. Nhưng bây giờ thử tưởng tượng một cô gái nhuộm răng đen đi ra đường thì sẽ như thế nào? Hoặc khỏi cần xa xôi, cách đây khoảng độ 30 năm. Xăm mình là một phong trào, và là chuyện bình thường. Nhưng đến độ khoảng năm 1990 -2010. Thì xăm mình trở thành một hoạt động cá biệt và tiêu cực, chỉ dành cho những đối tượng vô học, cướp giật. Nhưng giờ thì sao? Từ 2010 đến nay là 2016? Cái mốt này nó lại rộ lên đối với mọi thành phần.
Thậm chí bây giờ, nhân viên các ngân hàng, doanh nghiệp(không kể giới tính), một số không có hình xăm còn cảm thấy lạc lõng vì hiệu ứng lây lan tâm lý, hiệu ứng đám đông của xã hội khiến họ cũng muốn sở hữu một cái. Nhưng có khả năng chỉ vào khoảng 10-15 năm nữa, những hình xăm đó sẽ trở thành "của nợ" khiến người ta phải lo lắng tìm cách giải quyết hậu quả, bởi vì khi đó, họ sẽ bị liệt vào nhóm cá biệt của xã hội.
Vì sao? Vì hành động đó vô tình bị rơi vào vòng xoáy của "Các Cặp Đối Lập". Quan niệm Tốt - Xấu đã, đang xoay vòng chuyển hóa, đổi chỗ cho nhau theo thời gian.
- Quay về chủ đề chính:
Cổ phiếu tốt - Cổ phiếu xấu là như thế nào?
Nền kinh tế Tốt - Xấu là như thế nào?
Thực tế đối với Phần đồng NĐT trên TTCK:
- Nếu chỉ xét riêng về góc độ kỳ vọng, và những yếu tố tác động vào việc đánh giá để ra quyết định đầu tư, thì sẽ do điều gì quyết định?
Phần lớn chính là do tâm lý, đơn giản là hiệu ứng lây lan tâm lý trong mỗi giai đoạn quyết định. Nó quyết định Kinh tế tốt, hay xấu dưới góc nhìn chủ quan đầu tiên là ở của nhóm đối tượng(có thể có chủ đích) và sau đó lây lan ngay lập tức đến một phần rất lớn NĐT. Nó còn do quan hệ kỳ vọng - tài sản của mỗi cá nhân NĐT quyết định(nhìn biến động tài sản của cá nhân mình để quy chụp lên toàn nền kinh tế).
Một người bạn thân tôi nhận xét thế này:
..."Một con cổ phiếu lúc Thị trường và bản thân nó lên nhờ một nhóm lái bịp (làm giá) thì đổ xô vào hỏi han con này tốt không? Ca tụng nào là con này Tài sản tốt! Nợ ít! Hợp đồng nhiều! Dòng tiền ổn định.!.. Đủ cái thứ trên đời vì trong đầu các các NĐT yếu lập trường đã bị bơm cái chữ Tốt vào bộ nhớ sẵn từ trước rồi.
Khó nhất là vác tiền đi đầu tư, quan điểm không nhất quán nhưng mà cứ hỏi con này, con kia có tốt không. Cứ khẳng định là Tốt vậy, ngon vậy nhưng ôm vào rồi được dăm bữa , Đội Lái nó buông (cho rơi tự do) cho thì lại tự dằn vặt theo cái kiểu: "Ồ sao còn này tốt thế mà nó cứ xuống, hay là có tin gì xấu? Có xấu lắm không? Bây giờ làm sao?".... Tin tức là do con người tạo ra, tin có ra hay không là do "bối cảnh", bối cảnh đó dân chúng còn đang ôm nhiều hàng thì bơm tin Xấu ra để ép dân bán rẻ. Còn hàng về hết tay doanh nghiệp và Đội Lái rồi thì muốn có tin gì Tốt để hợp thức hóa diễn biến giá cả thì có ngay"...
Đấy, nó là như vậy.
Còn nhớ đầu năm 2013, Toàn thị trường chứng khoán xôn xao vì tin tưởng vào sự thoát đáy của Thị trường. Câu cửa miệng thường được nghe là: - "Kinh tế Tốt lên rồi, Chứng khoán tăng ầm ầm kìa, kinh khủng thật. Kinh tế thoát đáy rồi!"...
Đến giữa năm khi chỉ số lên khá, và một số NĐT chợt nhận ra là "Cái Tốt lên của nên kinh tế, trên thực tế là có tốt thật, nhưng cái Tốt ấy không đến nỗi để tạo nên mức giá cao đột ngột này. Nhận định thực trạng đang xấu hơn mức giá. Kèm theo việc chốt lời và tạo sóng trên thị trường. Nhiều NĐT bắt đầu chuyển hóa tư duy dây chuyền, từ Tốt thành Xấu (Lây lan tâm lý, nhìn tài khoản cá nhân để liên tưởng lên toàn nền kinh tế).
Thế rồi rất đông NĐT phổ thông bắt đầu tự ám thị rằng "Kinh tế thực ra là vẫn đang Xấu"! Rồi họ quay lại bán tống bán tháo.
Đi khắp nơi lại cứ nghe "Kinh tế vẫn đang xấu lắm, nợ xấu còn cao lắm!" Nhưng trước đó vài tháng, đó lại chính là những NĐT cầm cờ nhận định kinh tế tốt lên và thị trường đã thoát đáy. Thậm chí trong số đó có nhiều người là chuyên gia phân tích thuộc các Công ty chứng khoán có tiếng tăm.
Đến cuối năm 2013, đầu năm 2014 một lần nữa tư duy tốt xấu lại được chuyển hóa, lại khẳng định chắc chắn kinh tế đã thực sự tốt (Lý do lớn nhất tác động đến tâm lý và sự ám thị trong chiều hướng phân tích một phần bởi tài khoản chứng khoán của của họ tăng lên trong dịp sóng(Games tăng vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống DN trên toàn thị trường, nhất là doanh nghiệp BĐS), đầu năm 2014. Quan niệm tốt, xấu chuyển hóa thường xuyên cho nhau, mà nó phụ thuộc phần lớn là vào sự lây lan tâm lý, một khi có lý do đủ lớn để thuyết phục, và một đám đông đủ mạnh thì sự chuyển hóa trở thành tất yếu.
- Rồi khái niệm Cổ phiếu Cơ Bản - Cổ phiếu không Cơ Bản? Điều này mọi người rất dễ ám thị rằng giá cao thì sẽ là cổ phiếu cơ bản. Nếu bản thân chúng ta tự đặt một câu hỏi rằng mới năm 2014 -2015 cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lúc giá là 30.000đ/CP Có phải là cổ phiếu Cơ Bản không?(lúc đó Hoàng Anh Gia Lai đã vướng vào bài toán nan giải của các món nợ, thậm chí nó đã âm ỉ từ lâu rồi) Nhiều NĐT vẫn đánh đồng rằng HAG là 1 CP Bluechip. Chưa đầy 1 năm sau, tình hình Tài chính trong danh nghiệp HAG vẫn cơ bản là vậy, vẫn chỉ là bình mới rượu cũ. Bình mới là cái giá hơn 4000đ trên sàn HOSE, rượu cũ là sự phức tạp trong quan hệ tín dụng, và cái chính là sự chệch nhịp hoàn toàn khách quan trong tính toán thị trường, dẫn đến sự chệch nhịp trong dòng tiền. Điều này là khách quan và có tính vô hình. Bản thân báo cáo tài chính không có cách gì để nói lên được trước đó . Vậy nếu nhận xét thì bây giờ nó là cổ phiếu gì? Penny hay Bluechip? Cơ Bản hay không có Cơ Bản? ...

Cổ Phiếu Tốt - Cổ Phiếu Xấu?
Cổ phiếu Cơ Bản - Cổ phiếu không Cơ Bản?
Kinh Tế Tốt - Kinh Tế Xấu? (Chỉ cần một "Biển Đông" là quan hệ này có thể lập tức thay đổi, vì thực sự "biển đông" có thể tác động trực tiếp vào nền kinh tế là chuyện có thật)
....
Rồi còn nhiều cặp nữa? Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể hiểu rõ bản chất của nó là gì. Nhưng lúc nào thì sẽ chuyển hóa, lúc nào sẽ đổi chỗ cho nhau và bao giờ thì sẽ lại đổi lại??
- Hành động ngay trước khi đám đông thay đổi quan điểm, là bài toán vô cùng khó cho tất cả chúng ta, không trừ một ai. Nhưng thực tế rằng, nhận thức được càng rõ ràng thì cũng đồng nghĩa với việc nhìn cơ hội càng rõ ràng hơn.
Bài viết mang tính chia sẻ, đi sâu vào khía cạnh tâm lý phân tích, đánh giá đầu tư, không đi sâu vào các thao tác cứng.
Nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10/2016.
Chân thành, tin tưởng và kính chúc!

vmh

Nhìn lại trò chơi dòng tiền 2012-2016. Tiền chạy đi đâu?

Tiền trong một nền kinh tế(Quan sát dưới góc độ khép kín) không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi.
Lượng tiền hao hụt ở một nhóm chủ thể (Có thể là NĐT) sẽ được chuyển đến cho một nhóm chủ thể mới trong nền kinh tế đó, trước khi vượt ra khỏi biên giới, nếu là nền kinh tế mở cửa. Vậy trong một thị trường mà chủ thể là các nhà đầu tư(NĐT) trên thị trường đó, lượng tiền mất đi(Của các NĐT thua lỗ) sẽ đi về đâu? Và lượng mất đi đó sau khi tìm được chủ mới sẽ được chuyển tiếp sang thị trường nào?
Dòng tiền đó chảy theo các hướng nào và đâu là đích đến? Bài viết không khẳng định được do góc nhìn của mỗi cá nhân là khác nhau, nhưng mổ xẻ dưới góc độ vĩ mô đến chi tiết dưới tác động của các công cụ chính sách để mỗi người sẽ có một nhận định linh hoạt cho riêng mình, nhằm nhìn thị trường tài chính ở góc độ cao hơn và toàn diện hơn. Từ đó nhìn nhận, đối chiếu lại được với quá trình đầu tư của cá nhân hay tổ chức mình, để có thể đưa ra được chiến lược cụ thể và hợp lý hơn trong môi trường đầu tư đã định. Và quan trong hơn hết là chiến lược đó phải phù hợp với bối cảnh và "thế" hiện tại của nền kinh tế.

Điểm lại vắn tắt các công cụ vĩ mô, của chu kỳ từ 2012 đến nay:

1. Sự ra đời của công ty quản lý tài sản VAMC trực thuộc Chính Phủ:
+) Quyết định thành lập ngày 27/06/2013 bởi Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước.
+) Các hoạt động chính
a. Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
b. Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm.
c....Và các hoạt động khác liên quan đến tài sản tài chính, nợ.
2. Ngày 20 tháng 11 năm 2014:
Ra đời thông tư Số: 36/2014/TT-NHNN
3. Ngày 27 tháng 5 năm 2016:
Ra đời thông tư 36 sửa đổi: thành Số 06/2016/TT-NHNN

- Định nghĩa, giải thích:
Nợ xấu: Là hàm ý chỉ các khoản nợ của các danh nghiệp chủ yếu là lĩnh vực Bất Động Sản(BĐS) nợ các tổ chức tín dụng bao gồm các Ngân hàng thương mại trong nước, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài ( Sau đây xin gọi tắt về một mối là Ngân Hàng Thương Mại - NHTM cho gọn)
Nợ để làm gì? Doanh nghiệp BĐS vay NHTM để xây dự án BĐS đa phần là dự án nhà ở để bán cho toàn dân có nhu cầu.
Tại sao doanh nghiệp BĐS nợ không trả được cho NHTM? Vì nhu cầu mua và sức mua(tiền) của người dân không đủ lớn để mua hết số lượng nhà mà doanh nghiệp BĐS sản xuất ra.
Kết quả là Doanh Nghiệp bất động sản không bán được hết hàng(BĐS), hoặc đang xây dở dự án nhưng không huy động được đủ tiền để xây tiếp. Một khi không bán được hết hàng như kỳ vọng, thì đương nhiên không thu được lợi nhuận kỳ vọng, và do đó không quay lại trả được cho các NHTM.


Vòng tuần hoàn
Công ty VAMC của nhà nước ra đời để làm gì?
Đầu tiên là để mua lại nợ của các Doanh Nghiệp BĐS nợ NHTM. Có nghĩa là thay vì NHTM là chủ nợ thì vị trí chủ nợ được chuyển sang cho VAMC. Thay vào đó VAMC sẽ trả cho các NHTM một khoản bằng trái phiếu hoặc quy ra thành tiền, nếu quy ra thành tiền thì sẽ loanh quanh 30% so với giá trị của món nợ. Tức là nếu NHTM cho DN BĐS vay 100 triệu đồng(nợ xấu) thì VAMC sẽ trả cho NHTM một khoản khoảng từ 30 triệu (tùy theo tính chất món nợ), và VAMC trở thành chủ nợ mới đối với món nợ 100 triệu mà Doanh Nghiệp BĐS đang là đối tượng nợ.
Việc NHTM bán nợ cho VAMC là tự nguyện hay bắt buộc?
- Trích báo An Ninh Tiền Tệ: "Mỗi NHTM sẽ phải bán lại cho VAMC số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN và đến mốc hẹn 30/9/2015 phải bán hết 100% số lượng “chỉ tiêu được giao” nói trên."
Tức là việc bán nợ đã được ấn định trước đó từ lâu, đã bán dần từ trước đó và mốc hẹn cuối cùng năm 2015 phải bán hết.
Thông tư Số: 36/2014/TT-NHNN (Ngày 20 tháng 11 năm 2014) có liên quan gì?
Thông tư này có một điểm, đó là hạ hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay Bất Động Sản từ 250% xuống 150% (Là mức thấp nhất theo thông lệ). Nghĩa là các NHTM (Sau khi đã ấn định bán nợ cho VAMC) kể từ ngày 20/11/2014 trở đi sẽ lại tiếp tục được phép cho vay một cách dễ dàng hơn đối với lĩnh vực BĐS, tức là có động lực lớn cho vay tiếp. Bởi Ngân Hàng Nhà Nước truyền thông điệp: Lĩnh vực BĐS đang có rủi ro cao từ mức 250% điều chỉnh về 150%( Thấp nhất theo thông lệ). Nhưng nếu phân tích sẽ thấy chính sách này nhắm tới đối tượng người dân mua nhà. Nghĩa là tăng động lực để người dân đi vay vốn Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) dễ dàng hơn, vay nhiều hơn để mua nhà mà các Doanh Nghiệp BĐS đã sản xuất ra.
Kèm theo đó có một điểm cực kỳ quan trọng, là quy định các tổ chức tín dụng, NHTM khi cho vay kinh doanh lĩnh vực Chứng Khoán(Trừ trái phiếu), thì số dư cho vay đối với lĩnh vực này không được vượt quá 5% vốn điều lệ, mà trước đó đa số đang cho vay vượt mức này. Buộc các NHTM phải rút vốn cho vay từ các công ty môi giới Chứng Khoán về. Và con đường sẽ là rút tiền cho vay từ lĩnh vực Chứng Khoán để quay lại đổ về cho vay lĩnh vực BĐS, chủ yếu là khuyến khích toàn dân mua nhà.
Kết quả là các NHTM ồ ạt cho vay, ồ ạt khuyến mãi đối với người dân trong 1-2 năm vừa rồi, đến tận nhà, phát từng tờ rơi để người dân mạnh dạn vay tiền mua nhà. Và như vậy DN BĐS tự nhiên tiêu thụ được lượng hàng tồn kho(Nhà ở xây lên không bán được) thu được tiền về. Tiền đó chảy về đâu? Để trả cho chủ nợ mới là VAMC.
Một khoản 100 triệu là phải trả 100 triệu( Mặc dù VAMC khi mua lại nợ từ các NHTM là thấp hơn nhiều so với giá đấy, cứ lấy ví dụ 100 - 30 = ?...).
Và kết quả sau cả vòng tuần hoàn tiền tệ đó là gì? Thị trường chứng khoán sập đổ do tiền bị rút ra rất lớn bởi các NHTM, bởi các nhà đầu tư cắt lỗ. Đối tượng không bị lỗ (Có lãi) trên thị trường là những đối tượng đã chuẩn bị được từ trước cho sự kiện này. Một phần lớn tiền được chuyển về sân NHTM để đổ sang cho vay lĩnh vực "Tiêu Dùng Bất Động Sản". Người tiêu dùng ký vay những món nợ trả góp này để tiêu thụ hàng cho Doanh Nghiệp BĐS -> Doanh Nghiệp BĐS thu tiền bán hàng về trả cho VAMC (Món nợ mà trước đó VAMC đã mua lại giá thỏa thuận từ các NHTM).
Xong một vòng như vậy, người dân mua nhà hiện nay đang thực hiện trả góp dần cho món hàng mà họ mua. Doanh nghiệp BĐS đã trả nợ xấu được cho VAMC. Ngân Hàng Thương Mại đã không còn là chủ nợ của DN BĐS mà trở thành là chủ nợ của người mua nhà trả góp. Như vậy món nợ từ DN BĐS đã được chuyển sang cho người dân.
Việc đã xong.
- Vậy, sau vòng luân chuyển này, ai là người đi vay cuối cùng?
- Tiền chạy đi đâu?
Câu hỏi đang gần đến hồi đáp thì ngay lập tức Ngân Hàng Nhà Nước tiếp tục tung cú chốt thông tư 36 sửa đổi Ngày 27 tháng 5 năm 2016:
Thành Số 06/2016/TT-NHNN rúng động thị trường Bất Động Sản, lập tức siết lại cho vay bất động sản. Dự thảo nâng mức hệ số rủi ro 150% quay ngược lên mức 250%(Để chốt khóa việc cho vay có chủ đích năm vừa rồi). Nhưng vì áp lực từ xã hội và các hiệp hội kinh doanh BĐS quá lớn bởi họ trở tay không kịp. Nên đã chốt tăng lên mức 200%.

Xong!

Tiền của nền kinh tế, của xã hội, của nhà đầu tư chạy đi đâu trong những năm qua? Ai lỗ, ai lãi? Ai mang nợ, và nợ trả cho ai? Cuối cùng là về đâu?...
Sắp tới sẽ đi đâu? Với những diễn biến hiện nay, xác suất bao nhiêu % sẽ chảy vào chứng khoán? Dưới một hình thái hoàn toàn mới, ...và chảy một lượng như thế nào đang ngày càng rõ ràng dần.
Quan trọng nữa, bao giờ thì xong? Cũng đang càng lúc càng được nhìn một cách sát sườn và rõ ràng hơn bao giờ hết.

- Tiền chạy đi đâu?
Chúc cho tất cả, mỗi người, đều có thể thu được một phần đáng kể trong dòng chảy lớn lao đó!

Bài viết nêu vấn đề. Cố gắng không lạm dụng những thuật ngữ kỹ thuật gây phức tạp và khó hiểu, mà sử dụng tối đa từ ngữ thông dụng nhất, cố gắng viết và chú thích chi tiết nhất để đúng nghĩa là một bài chia sẻ!




Cám ơn bác!
Xin cùng thảo luận với bác như sau:
Hai nguồn mà bác nói là có trên thực tế. Nguồn NĐT tự đi vay ngân hàng để đầu tư cổ phiếu trên thực tế là có, tuy nhiên rất ít trường hợp kê khai mục đích vay là để đầu tư chứng khoán mà được duyệt món cho vay(Nếu kê khai mục đích khác nhưng dùng tiền vay để đầu tư chứng khoán thì được, do NHTM có thể giám sát không chặt quá trình sử dụng vốn vay của người vay). Nhất là tài sản đảm bảo bằng chứng khoán(Cổ Phiếu) thì càng không có. Đa số chỉ công ty môi giới(Công ty Chứng Khoán) được thực hiện nghiệp vụ này, chính là nghiệp vụ ký quỹ(Margin). Tùy theo mỗi giai đoạn. Nhưng riêng giai đoạn hiện nay dưới sự giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước, NHTM cho vay đầu tư cổ phiếu, tài sản đảm bảo bằng chính lượng Chứng Khoán đó là hoàn toàn không có trên thực tế.

Thứ 2, CTCK cho vay bằng vốn tự có: Điều này đang luôn luôn diễn ra, và là nguồn vốn đầu tiên mà các CTCK sử dụng để duy trì hoạt động, tự doanh hoặc cho khách hàng vay.
Nhưng bên cạnh đó lượng tiền mà các NHTM rút ra ở các CTCK dĩ nhiên không phải là tất cả vốn mà CTCK có, nhưng là một lượng tương đối đáng kể. Lượng này rút ra thì ảnh hưởng vô cùng lớn đối với TTCK (Sự thoái trào của TTCK năm 2015 nhất là nửa đầu năm, ngoại trừ dòng cổ phiếu Ngân Hàng bán quốc doanh). Bởi nó là tiền mà các CTCK đang sử dụng để cho các khách hàng (NĐT) vay. Sau khi NHTM rút vốn, Các CTCK phải tìm mọi cách tìm lượng vốn mới bù đắp cho lượng bị thiếu hụt, và buộc phải thắt chặt cơ chế cho vay đối với khách hàng của họ để lấy tiền quay lại trả cho các NHTM chủ nợ. Cung cổ phiếu trên thị trường tăng cao( Áp lực bán cổ phiếu) để chuyển thành tiền mặt trả về cho CTCK -> CTCK trả NHTM. Nó không phải là tất cả, nhưng phần ảnh hưởng rất lớn đi theo chu trình đó.



Với "Thế" hiện tại thì không còn con đường nào khác Bác ạ, dù muốn dù không thì tiền cũng không còn nơi nào khác để đi về nữa nếu không muốn mãi mãi mắc kẹt lại ở những nơi đó.
Hiện tại xét trên quy mô tổng thể nền kinh tế, mà đại diện là các doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết). Bình quân cơ cấu vốn trong toàn hệ thống nếu tính trên tỷ lệ đang ở mức 34% - 76%. Trong đó 34% là tỷ lệ vốn từ thị trường chứng khoán(vốn phát hành cổ phiếu và vốn vay bằng trái phiếu) trên tổng vốn, và 76% là vốn tín dụng (vốn từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng). Từ 2016 trở đi đến 2020 có thể coi là nửa sau của giai đoạn tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó có nội dung tái cấu trúc thị trường tài chính. Bắt buộc phải hoàn thành việc đảo tỷ lệ cơ cấu vốn nói trên. Tức là vốn vay từ hệ thống NH và các TCTD phải giảm xuống độ mức 30% và vốn từ TTCK phải tăng lên mức 70% trên tổng vốn(tính bình quân vốn của hệ thống doanh nghiệp). Tuy chỉ phản ánh về mặt quy mô, nhưng trên thực tế cơ cấu vốn này rất rất khó mà thực hiện được nếu không có dòng tiền mồi lửa đủ lớn và một games được chuẩn bị chỉn chu và chi tiết từ A - Z.
Xin được chia sẻ chung chung với Bác vậy để phục vụ mặt chiến lược đầu tư, tuy nhiên quan điểm bản thân tôi nghĩ mỗi người cần có một chiến thuật riêng trong chiến lược đó. Bởi tiền vào chứng khoán, nhưng vào những địa chỉ nào, theo thứ tự nào, vào những nơi đó thì tạo hiệu ứng đi kèm của những dòng tiền khác như thế nào thì còn cần phải nói chuyện nhiều. Cám ơn bác!

(st )

Đen thôi, đỏ quên đi!

Làm chứng khoán cũng kha khá năm rồi, mình thấy thế này.
Về cái khía cạnh tâm lý ấy:
Trên thị trường tài chính, và thị trường hàng hóa một Trader không bao giờ xắn tay thực hiện một giao dịch để kỳ vọng rằng sẽ thua lỗ cả, đương nhiên. Hòa vốn trả dép bố về cũng đã là tư tưởng dành cho đối tượng bi quan lắm rồi.
Thế nhưng cái không nghĩ đến nó lại hay xảy ra. Đụp một cái, lỗ nặng!...mất cả vui. 
Thế rồi hệ lụy về tâm lý của nó thì muôn vẻ nghìn lối. Có ông thì nhận thẳng là mình sai, nghĩ bụng rằng mình còn thiếu sót nhiều trong phân tích thông tin và đánh giá tổng quan, rồi rút kinh nghiệm. Có ông thì nhận mình bị mấy thằng ôn lập đội bay nó lùa, rồi cũng có ông bảo lỗ là do đen thôi, đỏ quên đi... Nói chung là đủ chuyện, nhưng mà vấp rồi lại đứng kiêu hãnh vì đa số trong mọi lĩnh vực, mọi tầm cấp thì vấp váp bao giờ cũng là điều kiện cần, và quan trọng là bao giờ nó cũng sinh ra trước những thành quả bền vững. Lỗ nhẹ nhàng, nhưng rút ra được kinh nghiệm quý giá, mà những kinh nghiệm này là rất cần, cần lắm cho những mùa đại thắng đang gọi í ới phía trước

Nhưng mà, thực sự mà nói, cái đau nhất của một Trader sử dụng ký quỹ(trên thị trường tài chính) hoặc vốn vay trên thị trường hàng hóa không phải là thua lỗ, như đã nói. Mà "Đau", chữ "Đau" trọn nghĩa là biết chắc hàng đang bắt đầu tăng giá rồi nhưng phản dằn lòng bán lỗ hoặc tự động bị bán như đã ký. Nói chung là bị trạng thái Call marin khi đang tạm thời cụt vốn để duy trì hợp đồng, và hàng đang ở đúng đáy. Thường thường, thất bại là mẹ của thành công vì nó tạo ra kinh nghiệm. Nhưng riêng thất bại theo kiểu này thì nó thực sự nó chẳng tạo ra cái kinh nghiệm đếch gì cả. Đau là ở chỗ đó, đại bại... nhưng quay lại tự hỏi có thu được cái kiến thức kinh nghiệm gì không, thì lắc đầu: 
- Đen thôi Đỏ quên đi.
Nhìn quả giá Cao Su đang vừa qua đáy, chớp tăng liên hồi, rồi chuyện Hoàng Anh Gia Lai đang bị "call margin", nhắm mắt tính bán 20.000 ha cao su 
Mình lại nghĩ chơi: Thằng cha này ngày xưa chắc "Đỏ thôi , Đen quên đi". Chứ từ hồi trước mà bị gặp "Đen thôi, Đỏ quên đi" như bây giờ đang gặp thì k hiểu sao...
Nhưng mà nói chung là đau! Đau như cái câu cửa miệng mình vẫn hay phải nghe:
- "Anh thề với em, anh Đau lắm chứ" !
Ps: Nghe não lắm các Bác à... 

(st vmhfinance)